Thứ Năm, 2 tháng 9, 2010

NGỨA ƠI LÀ NGỨA..........

Ngứa là một chứng phổ biến, hay gặp nhiều trong mùa nắng nóng. Dân ta thường xếp nó vào một trong hai cực hình khó chịu bậc nhất: 'đau đẻ, ngứa ghẻ', nó bắt phải 'sột soạt luôn tay tựa gẩy đàn',... Trên thực tế, ngứa không chỉ do ghẻ và các ký sinh trùng gây bệnh ngoài da, mà còn do nhiều bệnh khác dẫn tới như: ung thư, đái tháo đường, bệnh gan mật, bệnh thận, rối loạn chức năng thần kinh, dị ứng..Nếu để kéo dài, chứng ngứa sẽ gây cho người bệnh trạng thái căng thẳng, cáu gắt bực bội triền miên, từ đó ảnh hưởng sâu sắc đến tâm thần, làm giảm sút năng suất, chất lượng công tác, học tập.

Để giải quyết chữa trị một số chứng ngứa thông thường, chúng tôi xin giới thiệu một bài thuốc Nam độc đáo mới sưu tầm được trong dân gian, bước đầu ứng dụng đã thu được nhiều kết quả khả quan.
Bài thuốc gồm 7 vị, có thể tìm thấy dễ dàng ở mọi miền trên đất nước ta. Đó là : Rau má, Chó đẻ, Cỏ sữa nhỏ lá, Đậu săng (mỗi thứ một nắm, khoảng 60g tươi hoặc 30g khô), Khoai lang (một củ), Đường bát (đường đen xứ Quảng) 1/4 tán, Gan heo tươi (1 lạng). Tất cả rửa sạch cho vào om, đổ 2 lít nước, sắc còn 1 lít, chia uống 3 lần trong ngày. Không để qua ngày vì dễ thiu.
Theo chúng tôi, bài thuốc dân gian này độc đáo ở chỗ nó hoàn toàn tuân thủ về lý - pháp - phương - dược của Đông y học cổ truyền. Theo Hoàng Đế Nội Kinh Tố Vấn, tác phẩm kinh điển của Đông y thì các chứng ngứa đều do huyết hư không nuôi dưỡng được da thịt mà gây ra (chư dưỡng vi hư huyết bất vinh cơ tấu sở dĩ dưỡng dã). Lại nói các chứng đau ngứa lở đều thuộc vào Tâm (chư thống sang dưỡng giai thuộc vu tâm). Nên nhớ tạng Tâm của Đông y không chỉ riêng trái tim mà còn bao quát cả hệ tuần hoàn và thần kinh tri giác (Tâm chủ thần minh, Tâm chủ huyết mạch). Theo học thuyết ngũ hành, Tâm thuộc hành hoả, liên quan với mùa Hạ. Điều này giải thích vì sao mùa Hạ chứng ngứa phát sinh nhiều nhất và thường gặp phải ở những người có cơ địa huyết nhiệt (biểu hiện lâm sàng: nóng lòng bàn tay, bàn chân, vùng ngực; phát sốt nhẹ vào lúc xế trưa; môi đỏ, miệng khô, chất lưỡi đỏ nhợt, hay khát nước, tiện táo bón, tiểu tiện vàng, mạch nhanh, hay cáu gắt, mất ngủ...). Cũng theo học thuyết Ngũ hành, Can Mộc sinh tâm hoả, căn cứ nguyên tắc “con hư thì bổ mẹ”, muốn trị bệnh ở tạng Tâm, phải tăng cường chức năng tàng huyết và sơ tiết của tạng Can (sinh lý học hiện đại gọi là chức năng dự trữ máu và chức năng khử độc hay chức năng bảo vệ của gan). Nói tóm lại, muốn chữa chứng ngứa phải nhằm vào hai tạng Tâm và Can, và dùng phép chữa dưỡng huyết, thanh nhiệt, tiêu độc, khu phong trừ thấp. Khảo sát các vị thuốc trong bài thuốc này ta thấy chúng hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu về phương pháp chữa đã nêu trên.
Rau Má: Tên chữ Hán là Liên tiền thảo, tên khoa học Centella asiatica Urb. Vị hơi đắng nhạt, thơm, tính mát. Tác dụng giải nhiệt, lợi tiểu, tiêu viêm, sát trùng, cầm máu, chữa rôm sẩy, mẩn ngứa...
Chó đẻ: Còn gọi là Chó đẻ răng cưa, Diệp hạ châu, Diệp hoè thái. Tên khoa học Phyllanthus Urinaria L. Vị đắng, tính mát. Tác dụng tiêu độc, sát trùng, tán ứ, thông huyết.
Cỏ sữa nhỏ lá: Hồng liên thảo, Địa cầm thảo. Euphorbia thymifolia Burm = Euphorbia humifusa Will. Vị đắng, tính mát. Tác dụng thông huyết, cầm máu, giảm đau, tiêu độc, sát trùng, thông sữa, lợi tiểu.
Đậu săng: Còn gọi Đậu cọc rào, Đậu chiều, Đậu chè, Mộc đậu. Cajanus flavus D.C.= Cajanus indicus speng. Lá cành Đậu săng có vị nhạt, tính mát. Tác dụng thanh nhiệt, tiêu độc, tiêu thũng, giảm đau.
Khoai lang: Cam thự, Ipomoea batatas Lamk. Vị ngọt, tính bình. Tác dụng nhuận trường, bổ tỳ vị.
Đường đen: hay Đường đỏ, tức Đường mía (thành phần chủ yếu: sacaroza), chế thủ công thành từng tán, thường gọi Đường bát Quảng Nam. Vị ngọt, tính ấm. Tác dụng hoà trung, trợ tỳ vị, hoạt huyết, tán ứ, nhuận tâm phế khi táo nhiệt.
Gan heo ( trư can): vị ngọt đắng, tính ấm, tác dụng bổ gan, dưỡng huyết, sáng mắt, vừa là thức ăn bổ dưỡng, vừa làm chức năng dẫn thuốc quy về kinh tạng can theo nguyên tắc “đồng khí tương cầu”.
Như vậy, trong bài thuốc: Gan heo, Đường đen, Khoai lang là các vị thuốc bổ huyết, bổ tỳ vị (tỳ sinh huyết). Riêng Khoai lang còn có tác dụng nhuận trường. Còn các vị Rau má, Chó đẻ, Cỏ sữa, Đậu săng là thuốc thanh nhiệt tiêu độc.
Từ phân tích lý - pháp - phương - dược như trên, chúng tôi đã mạnh dạn ứng dụng điều trị bằng cách kê đơn và hướng dẫn người bệnh tự tìm thuốc trong nguồn thuốc Nam hoang dã, hầu như không tốn kém. Theo dõi kết quả, chúng tôi nhận thấy bài thuốc rất thích ứng các chứng ngứa ngoài da mà mắt thường không thấy gì đặc biệt (trừ những tổn thương do gãi). Thường chỉ dùng từ 1 đến 3 thang là có kết quả. Sau đó có thể dùng thêm vài ba ngày nữa (liều lượng giảm 1/2 )để phòng tái phát. Đối với các bệnh ngoài da như ghẻ, nấm (có tổn thương da mà mắt nhìn thấy được như nốt ngứa, luống ghẻ...) mà cơ địa người bệnh nóng nhiệt có thể dùng bài này uống trong kèm với thuốc bôi ngoài đặc trị theo từng loại bệnh thì kết quả càng nhanh. Đối với các bệnh khác dẫn đến chứng ngứa cần điều trị bệnh gốc đồng thời có thể kết hợp bài này để giảm ngứa. Nhưng lưu ý, người bệnh có triệu chứng hàn (như sợ lạnh, ăn kém, ỉa chẩy lỏng kéo dài...) thì không được dùng bài NÀY

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét